Chuyến xe khởi hành muộn hơn so với dự định. Cô giáo Thục lặng đi, cứ đứng mãi dưới sân trường chẳng chịu lên xe. Cô nhìn ngắm ngôi trường đã gắn bó với cô cả cuộc đời dạy học. Mắt cô nhòa đi. Vậy là từ đây cô phải xa mái trường, xa đồng nghiệp, xa học trò thân yêu. Có tiếng giục cô lên xe. Cô Hiệu trưởng Ngô Thị Phin nói khẽ: “ Thôi, mình hãy đợi cô một lát.”
Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc chia tay các đồng nghiệp về nghỉ hưu. Nhưng có lẽ cuộc chia tay cô giáo Thục là đặc biệt nhất. Các thầy cô khác về hưu là được nghỉ ngơi, về với con cháu đề huề…còn cô Thục về hưu với nhiều nỗi niềm, với bao nỗi suy tư…
Cô Phạm Thị Thục (áo hoa) chụp ảnh lưu niệm với các thế hệ lãnh đạo trường THCS Bình Khê
Cô giáo Phạm Thị Thục sinh ra và lớn lên tại một vùng quê chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ- xã Hồng Thuận huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Nghe theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng các vùng kinh tế mới, sau khi tốt nghiệp trường CĐSP Quảng Ninh năm 1981, cô về Trường THCS Bình Khê công tác cho đến lúc nghỉ hưu. Lúc bấy giờ, trường THCS Bình Khê tan hoang, xơ xác sau khi người Hoa về nước. Gọi là trường nhưng chỉ là vài ngôi nhà cấp 4 tranh tre nứa lá, sân trường vẫn là ruộng trồng lúa. Cô hăng say cùng các thầy cô giáo như thầy Bính, cô Phin, thầy Chức, cô Thuật, cô Minh…xây dựng trường lớp, động viên học sinh đến trường.Và cứ thế, cô âm thầm chở bao chuyến đò qua sông mà chẳng để ý đến hạnh phúc riêng tư của bản thân. Ra đi phơi phới nhiệt tình của cô giáo trẻ, trở về cô vẫn lủi thủi một thân một mình. Kể sao cho hết những học trò đã được cô cưu mang cho tiền mua sách vở, cho tiền đóng học, biết bao học trò cá biệt được cô quan tâm đã vượt qua khó khăn trở thành người có ích. Nhớ sao cho hết các học trò được cô dạy dỗ đã trưởng thành trở thành cán bộ, bác sỹ, giáo viên…Đồng nghiệp quên sao được sự ân tình giúp đỡ của cô, những bát cơm trưa đỡ lòng ấm nóng.
“ Hãy cho cô ngồi phía cửa xe !” …“ Bình Khê ơi, tôi phải xa rồi, tôi phải về với mẹ thân yêu đây.” . Cô thu vào tầm mắt những hình ảnh thân quen của quê hương Bình Khê đổi mới. Mà cũng phải thôi, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:
“ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”
Huống chi.. mắt cô lệ lại nhòa…Chiếc xe 45 chỗ ngồi sao mà chật hẹp thế. Đồng nghiệp, các thế hệ học trò hôm nay tiễn chân cô về tận quê hương Hồng Thuận cách xa 186 km. Xe chúng tôi cứ đi…Con sông Hồng quê hương đây rồi. Vượt qua bến phà Sa Cao nữa thôi là đã về đến nhà mẹ. Cô vốc từng vốc nước in dấu bao kỉ niệm tuổi thơ. Ôi, sao mắt lại lệ nhòa.Tình cảm của bà con dân quê Hồng Thuận khiến chúng tôi thật cảm động. Chia tay cô và hẹn ngày gặp lại. Quyến luyến, bịn rịn và nước mắt kẻ đi, người ở lại rơi. Nhận lại con đò chúng tôi thầm hứa sẽ tiếp tục vững tay chèo. Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời, về con người, sự hi sinh, sự cống hiến… tình cảm con người và ý nghĩa nghề dạy học…
Tập thể giáo viên trường THCS Bình Khê chụp ảnh lưu niệm với gia đình cô Thục
Đại diện các thế hệ học trò chụp ảnh lưu niệm với cô Thục
CTV Nguyễn Đoàn - Quang Hưng